CHUYỆN NGHỀ – KỈ NIỆM CHUYẾN NHẬP THAN ĐẦU TIÊN TẠI NHÀ MÁY NHIỆT ĐIỆN VŨNG ÁNG 1
Khi nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 chuẩn bị đi vào hoạt động chính thức, chuyến hàng nhập than đầu tiên đã được vận chuyển từ Quảng Ninh đến cảng nhà máy để phục vụ công tác chạy thử trước nghiệm thu, lúc đó EIC là đơn vị được chỉ định cho công tác giám định tàu.
Thời tiết tại Vũng Áng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh lúc đó là giữa mùa đông, biển động liên tục, anh em cập nhật hằng giờ để biết kế hoạch tàu cập cảng trả hàng. Mặc dù chưa làm hàng nhưng cũng chẳng thoả mái gì do nằm đợi cả tuần. Nếu thời tiết tốt nhà máy sẽ thông báo làm hàng bất kể lúc nào, kể cả đêm khuya. Do đó mọi người luôn trong tình trạng sẵn sàng có mặt để thực hiện công việc. Cùng với việc chưa quen với khí hậu quá lạnh, nhiệt độ có khi chỉ 15-160C, anh em mặc 2-3 lớp áo ấm nhưng vẫn thấy lạnh buốt, đặc biệt vào ban đêm, đôi tay cóng không còn cảm giác.
EIC có lực lượng tinh nhuệ, cử những nhân sự có kinh nghiệm trong mảng hàng hoá ra thực hiện và đào tạo cho anh em giám định viên chi nhánh Miền Trung, trong đó có anh Trần Quốc Thư. Mình không thể nào quên tên anh được, nếu anh em giám định viên nào từng tiếp xúc với anh đều rất ấn tượng anh, rất chuyên nghiệp và dễ gần. Ngoài ra có thể nói anh ấy “Trên thông thiên văn dưới tường địa lý”, là người có tài ăn nói rất thuyết phục trong làng giám định ở Việt Nam – và như anh nói, thì cả làng giám định trong khu vực.
Hôm thực hiện giám định, may sao thời tiết đẹp nhất trong các ngày, nói đẹp chứ sóng biển cũng lớn lắm. Cuộc họp trước khi thực hiện công việc có vài người không đồng ý do sợ kết quả không chính xác với điều kiện thời tiết như vậy. Nhưng do áp lực phải có hàng để chạy thử nên sau một lúc trao đổi thì mọi người đồng ý xuống đò đọc thử xem có được không.
Để đọc mớn nước thì anh em leo thang dây từ mạn giữa bên phải tàu xuống đò khi tàu rung lắc mạnh, việc chọn thời điểm để nhảy xuống đò đòi hỏi anh em phải có kinh nghiệm, rất nguy hiểm do sóng lừng rất lớn, đò chòng chành liên tục lên xuống khoảng 2-3m, nếu không rất dễ xảy ra tai nạn như chơi. Theo kinh nghiệm thì điểm dừng leo xuống thang dây phải cao hơn lúc đò dâng lên cao nhất để tránh đò va vào chân, chọn khi sóng ổn định nhất, sóng dâng lên cao, gần người nhất thì nhảy quyết đoán, bên dưới đò phải có người giữ người nhảy.
Đọc mớn nước là khâu quan trọng nhất trong công tác giám định nên thành phần tham gia các bên đông đủ, bao gồm đại diện nhà máy 5 người (vừa lãnh đạo vừa anh em đi học việc), đại diện bên tàu 1 người, đại diện giám định 2 người, 02 bác lái đò, trên đò nhỏ tí lúc đó có 10 người. Quá tải.
Tất cả anh em mặc áo phao cẩn thận, do sóng lớn nên anh em nằm bệt xuống đò, mặt người nào cũng tái xanh, sợ hết hồn. Chỉ riêng anh Trần Quốc Thư là vẫn đứng vững, vẫn bắt dây phụ anh lái đò, anh đứng sừng sững mắt nhìn về phía vạch mớn nước, tay chỉ huy người lái đò nên dừng chỗ nào để dễ đọc mớn. Khi đọc mớn, mọi người cố gắng tìm điểm sóng thì anh đã dõng dạc hô to “Chín mét tám lăm”, mọi người thì chỉ biết trợn tròn mắt và nói: chúng tôi không đọc được do sóng lớn quá, nhưng cũng không ai dám tranh luận, một phần nghi ngờ, một phần thán phục, sao anh tài thế. Anh đại phó, đại diện bên tàu nói: “Từ từ anh, sao anh đọc nhanh vậy, để tìm điểm sóng và tính trung bình sóng đi anh?” Anh Thư liền nói: “Vâng, thì các anh cứ từ từ đọc đi ”. Sau một hồi rất tập trung khoảng 3-5 phút, anh đại phó mới đọc được mớn, số anh đọc “Mười mét tròn”, gần giống số anh Thư đọc (gọi là gần bằng vì sóng lớn quá, không như đọc mớn ở Vịnh hoặc ở Sông).
Các mớn tiếp theo anh Thư cũng là người đầu tiên đọc mớn, đọc rất dứt khoát, vài anh em vì ngồi trên đò lắc lư khoảng nửa tiếng đồng hồ nên đuối, tay chân bủn rủn. Đọc xong hết các mớn anh em leo lên tàu mẹ thì ai cũng thở phào nhẹ nhõm, nhiều anh em mặt không còn chút máu.
Thuyền trưởng sau khi xem kết quả đọc mớn đã không đồng ý và cho rằng mớn nước phải lớn hơn rất nhiều. Rất nhanh, anh Thư nói, do sóng lớn, các anh không đọc được nhưng tôi đọc được, đề nghị kiểm tra bằng ống thủy tĩnh. Ống thủy tĩnh được mang ra, nhưng cũng mất thời gian khá lâu, kết quả cao hơn so với anh Thư đọc là 5-10 cm, có điểm không đọc được do ống thuỷ tĩnh nhảy lên xuống liên tục. Anh thư không đồng ý và nói: “Các anh đọc mực nước trong ống thuỷ tĩnh rất đúng, chỉ có điều các anh đã sai, vì khi đặt ống thủy tĩnh, hiện tượng mao dẫn làm cho nước trong ống dâng lên cao hơn so với thực tế, mà vùng nước ở đây có sóng ngầm bên dưới”. Và như vậy, anh vẫn ghi đúng số liệu anh đọc được. Sau đó đại diện các bên ngồi tính toán số liệu thì số cảng đến gần bằng số cảng xếp. Các bên tâm phục khẩu phục và kết thúc được công việc trong sóng gió .
Trên đường về nhà, tôi có mạnh dạn hỏi anh:
“Anh ơi, vì sao sóng lớn vậy mà anh đọc nhanh quá, có sợ sai xót gì không anh?”
Anh châm điếu thuốc, nhìn ánh mắt hơi láu cá nói:
“Chú mày và máy anh em còn non lắm, anh phải có chiêu chứ. Rồi anh lại cười. Hỏi anh chiêu gì thì anh dứt khoát không trả lời”.
Về sau, tôi mới biết, đó là đọc mớn nước thì phải đứng vững, thật tập trung, tĩnh tâm, đọc bằng kỹ năng và kinh nghiệm chứ không hề đơn giản chút nào.
Tối hôm đó anh em tổ chức một bữa tiệc nhỏ sau bao ngày nằm dài chờ đợi. Tại Vũng Áng, nơi khỉ ho cò gáy này có món mực nhảy có thể nói là ngon nhất cả nước, chỉ có anh em giám định viên tới vùng này mới thưởng thức được món này. Mực được bắt về còn sống, rộng trong lồng, được hấp nguyên con với bia và gừng, cuốn với lá lốt chấm với xì dầu pha mù tạt, ai ăn không quen dễ bị sốc lên mũi, còn quen rồi thì ngon không nói nổi, ăn rất ngọt và giòn, đặc biệt là những con mực có trứng, mỗi con vừa gói với lá lốt để đưa vào miệng, ăn phải có kinh nghiệm không dễ bị dính túi là đen hết cả miệng. Kèm theo đặc sản rượu Can Lộc của xứ này cực nặng, uống vô là nghe liền. Uống được xíu thì anh em hồ hởi kể đủ chuyện.
Sau khi trà dư tửu hậu, anh Thư mới chia sẻ: “Anh kiểm tra niêm thấy còn nguyên vẹn, anh cho đo trước số liệu ballast và tỷ trọng, cùng với đó là đội tàu này uy tín, dựa vào kinh nghiệm đọc mớn của anh và anh lấy mớn cảng bốc anh đã nảy số rồi, chứ ai tài giỏi gì đọc chính xác đến centimet được khi sóng dao động cả mét cơ chứ ”, rồi anh lại cười kiểu cười giống như lúc chiều, lúc đó tôi nghĩ là anh hơi láu cá, sau này mới biết đó là phong cách của anh ấy.
Trong bữa tiệc nhỏ hôm đó anh em rôm rả kể đủ chuyện trên trời dưới đất, đặc biệt là anh Thư thì khỏi nói, gọi là thần chém không sai, anh nói : “Chém gió thì phải có trình, ai nói linh tinh có ngày vỡ họng”, anh kể chuyện rất duyên, chuyện gì anh em cũng thấy có lý và hài hước. Uống xong anh em lăn ra nền ngủ một giấc thật sảng khoái.
Nghề giám định đôi lúc phải tuỳ cơ ứng biến, linh hoạt xử lý, nếu chúng ta có đủ cơ sở, thông tin, kinh nghiệm, độ quái thì mọi việc đều có thể giải quyết được, tuy nhiên vẫn có sai số, rủi ro trong nghề, quan trọng là phải thuyết phục được các bên, bảo vệ được cho bản thân mình, công ty mình và cho khách hàng. Nếu chuyến đó anh em không đủ kinh nghiệm, không đọc được mớn nước thì không biết khi nào làm hàng được vì phải đợi cả tuần rồi mà thời tiết thì xấu. Cảng nhập than nhà máy nhiệt điện nằm ngay họng gió biển đông lùa vào nên cảng hứng trọn sóng, cảng không có đê chắn sóng, nhà máy thì cần hàng để chạy cho kịp tiến độ đề ra. Các bên đều rất áp lực về thời gian. Cũng may anh em xử lý được và chuyến đó hàng dỡ tại tàu so với cân tại nhà máy số liệu tương đối ổn. Cung cấp kịp thời nguồn nhiên liệu cho nhà máy chạy thử. Công việc thành công mỹ mãn.
Chuyện nghề thì rất là nhiều, nhưng kỉ niệm trên đây tôi không thể nào quên được. Nghề giám định có nhiều cái tuyệt vời, được đi đây đi đó miễn phí, được trải nghiệm thực tế các vùng miền, đặc biệt khu vực Miền trung các tỉnh trải dài nên văn hoá vùng miền khác nhau, có nhiều điều để khám phá, học hỏi và đặc biệt thưởng thức những món ăn địa phương rất hấp dẫn.
Thời gian trôi đi thật nhanh, thấm thoát tôi đã gắn bó với nghề, với EIC hơn 10 năm, tôi yêu nghề và yêu mái nhà EIC tuyệt vời cũng như yêu quí những đồng nghiệp sát cánh bên tôi. Thân chào!